Giờ hành chính là gì? 4 điều cần biết về giờ hành chính

Giờ hành chính là khung giờ làm việc tương đối phổ biến của các cơ quan Nhà nước cũng như nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm rõ những thông tin liên quan đến khung giờ này.

1. Giờ hành chính chỉ làm 8 tiếng/ngày

Dù không được định nghĩa một cách cụ thể trong các văn bản pháp luật tuy nhiên, giờ hành chính lại là cách gọi chung để chỉ thời gian làm việc của phần lớn cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (thường là dân văn phòng).

Theo quy định tại khoản 1 Điều 105 Bộ luật Lao động 2019:

1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.

Với cách hiểu hiện nay thì đây chính là giờ hành chính. Tức là, giờ hành chính được tính 08 giờ/ngày, không kể thời gian nghỉ trưa và áp dụng chung cho tất cả mọi người, từ nhân viên cho đến lãnh đạo.

Ngoài ra, khoản 2 Điều này còn nêu rõ:

2. Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.

Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động.

Trên cơ sở đó, việc quy định giờ hành chính là mấy giờ ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có thể khác nhau và tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên, hầu hết các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đều áp dụng giờ hành chính để làm việc như sau:

- Buổi sáng: Bắt đầu từ 08 giờ đến 12 giờ.

- Buổi chiều: bắt đầu từ 13 giờ 30 đến 17 giờ 30.

- Thời gian làm việc trong tuần kéo dài từ thứ Hai đến thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ nhật nghỉ.

Tùy vào tính chất công việc mà giờ hành chính ở các nơi có thể chênh lệch nhau 30 phút hoặc 01 giờ.
 

2. Thời gian làm thêm giờ ngoài giờ hành chính

Khoản 1 Điều 107 Bộ luật Lao động quy định:

1. Thời gian làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường theo quy định của pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động.

Đây là quy định chung, không có bất cứ sự phân biệt nào giữa những người lao động với nhau. Chính vì vậy, người làm giờ hành chính cũng có thể làm thêm giờ.

Đồng thời theo khoản 2 Điều 107 Bộ luật Lao động, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chỉ được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện:

- Được sự đồng ý của người lao động;

- Bảo đảm số giờ làm thêm không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày; trường hợp áp dụng quy định về thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ/ngày; không quá 40 giờ/tháng;

- Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm không quá 300 giờ/năm trong một số ngành, nghề, công việc:

+ Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm hàng dệt, may, giày, da, điện, điện tử, chế biến nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản;

+ Sản xuất, viễn thông, cung cấp điện, lọc dầu; cấp, thoát nước;

+ Trường hợp giải quyết công việc đòi hỏi lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao mà thị trường không cung ứng đầy đủ, kịp thời;

+ Trường hợp phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn do tính chất thời vụ, thời điểm để giải quyết công việc phát sinh do yếu tố khách quan không được dự liệu trước, do hậu quả thời tiết, thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, thiếu điện, thiếu nguyên liệu, sự cố kỹ thuật của dây chuyền sản xuất;

+ Trường hợp khác do Chính phủ quy định.

gio hanh chinh la gi 

3. Số ngày nghỉ phép năm tùy theo điều kiện làm việc

Cũng giống như những lao động khác, người lao động làm việc theo giờ hành chính cũng chịu sự điều chỉnh của pháp luật lao động, cụ thể là Bộ luật Lao động.

Liên quan đến việc nghỉ phép năm, theo Điều 113 Bộ luật Lao động, người lao động làm việc đủ 12 tháng thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

- 12 ngày làm việc nếu làm công việc trong điều kiện bình thường;

- 14 ngày làm việc đối với lao động chưa thành niên, người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại;

- 16 ngày làm việc nếu làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại.

Trường hợp lao động làm việc chưa đủ 12 tháng thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.

Trường hợp thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm/chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.

Ngoài ra, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc gộp để nghỉ tối đa 03 năm một lần.

4. Người làm giờ hành chính được nghỉ lễ 11 ngày/năm

Nghỉ lễ, tết là những ngày nghỉ chung của cả nước. Bất cứ lao động nào cũng được áp dụng quy định tại Điều 115 Bộ luật Lao động, kể cả người lao động làm việc theo giờ hành chính.

Theo đó, trong những ngày lễ, tết, người lao động được nghỉ làm việc và hưởng nguyên lương:

- Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01/01 dương lịch);

- Tết Âm lịch: 05 ngày;

- Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30/4 dương lịch);

- Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01/5 dương lịch);

- Ngày Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02/9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);

- Ngày Giỗ tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10/3 âm lịch).

Đặc biệt, lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ trên còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.

--------------------------------

Theo luatvietnam.vn

Chia sẻ: