Đóng BHXH thấp hơn lương thực tế: Nhiều doanh nghiệp đang làm sai?

Tiền đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho nhân viên là một trong những khoản chi lớn của doanh nghiệp. Để giảm bớt chi phí, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện đóng BHXH thấp hơn lương thực tế trả cho nhân viên. Hành vi này liệu có trái luật?

1. Lương đóng BHXH cho nhân viên xác định theo mức nào?

Căn cứ Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, Nghị định số 58/2020/NĐ-CP, hằng tháng, doanh nghiệp và người lao động sẽ phải trích một phần quỹ lương để đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tỷ lệ như sau:

- Doanh nghiệp: Đóng tổng cộng 21,5% hoặc 21,3% quỹ tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động.

- Người lao động: Đóng tổng cộng 10,5% tiền lương tháng đóng BHXH.

Trong đó, mức tiền lương tháng đóng BHXH được hướng dẫn tại khoản 26 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH như sau:

2. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 đến ngày 31 tháng 12 năm 2020, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương theo quy định tại khoản 1 Điều này và các khoản bổ sung khác theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH.

Từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác quy định tại điểm a, tiết b1 điểm b và tiết c1 điểm c khoản 5 Điều 3 của Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12 tháng 11 năm 2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về nội dung của hợp đồng lao động, Hội đồng thương lượng tập thể và nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản, nuôi con (sau đây viết tắt là Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH).

Theo quy định này, tiền lương đóng BHXH sẽ bao gồm các khoản sau:

- Mức lương.

- Phụ cấp lương.

- Các khoản bổ sung khác xác định được số tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.

Các khoản tiền này phải được thỏa thuận rõ và ghi nhận trong hợp đồng lao động để làm căn cứ trả lương và đóng BHXH cho người lao động.

Tuy nhiên, trong đó có một số khoản sẽ không bị tính đóng BHXH bao gồm:

  • Thưởng căn cứ kết quả kinh doanh và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
  • Tiền thưởng sáng kiến.
  • Tiền ăn giữa ca.
  • Các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ.
  • Các khoản hỗ trợ khi có thân nhân bị chết, có người thân kết hôn, sinh nhật, trợ cấp cho người gặp hoàn cảnh khó khăn,…
dong BHXH thap hon luong thuc te
Lương đóng BHXH thấp hơn lương thực tế có sao không? (Ảnh minh họa)

2. Đóng BHXH thấp hơn lương thực tế trả cho nhân viên, có trái luật?

Như đã phân tích, khoản tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động sẽ đươc xác định dựa trên các khoản tiền mang tính chất cố định và ghi nhận trực tiếp trong hợp đồng lao động.

Tuy nhiên theo khoản 3 Điều 89 Luật BHXH năm 2014, trường hợp tiền lương tháng đóng BHXH cao hơn 20 lần mức lương cơ sở thì doanh nghiệp và người lao động và doanh nghiệp cũng chỉ đóng BHXH với mức tối đa bằng 20 lần mức lương cơ sở, tương đương 28,9 triệu đồng/tháng.

Trên thực tế, khi trả lương cho người lao động, ngoài khoản tiền lương cố định trả cho người lao động hằng tháng, doanh nghiệp còn phát sinh thêm một số khoản khác phải trả cho nhân viên. Đây là khoản tiền không cố định nên không bị tính đóng BHXH.

Như vậy, việc đóng BHXH thấp hơn lương thực tế cho nhân viên không bị coi là trái luật. Tuy nhiên doanh nghiệp phải đảm bảo đóng BHXH tuân thủ đúng quy định đã nêu tại mục 1.

Hiện nay, để giảm chi phí đóng BHXH, dù thỏa thuận tổng lương cao nhưng các doanh nghiệp thường chỉ ghi nhận mức lương theo công việc/chức danh với mức thấp trong hợp đồng lao động, số tiền còn lại sẽ quy về các khoản tiền phụ cấp trợ cấp không tính đóng BHXH.

Việc làm này không sai quy định, người lao động vẫn nhận đủ lương mà các bên đã thỏa thuận. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến người lao động bị thiệt thòi về quyền lợi BHXH bởi khi thanh toán tiền chế độ, cơ quan BHXH sẽ tính dựa trên mức lương tháng đóng BHXH.

Do đó khi ký hợp đồng lao động, người lao động cũng nên thỏa thuận rõ về mức lương đóng BHXH để đảm bảo quyền lợi cho mình

3. Đóng bảo hiểm không đúng quy định, công ty bị phạt thế nào?

Đóng BHXH thấp hơn lương thực tế trả cho người lao động nhưng vẫn đảm bảo đóng đủ theo các khoản quy định thì không bị coi là trái luật. Nhưng nếu đã thỏa thuận rõ trong hợp đồng lao động mà doanh nghiệp cố tình khai thông tin không đúng quy định để đóng bảo hiểm với mức thấp thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Theo điểm b khoản 5 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, người sử dụng lao động vi phạm sẽ bị phạt như sau:

5. Phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau:

b) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định mà không phải là trốn đóng;

Theo đó, mức phạt tiền đối với hành vi đóng bảo hiểm không đúng quy định sẽ được tính theo tỷ lệ % tương ứng với tổng số tiền phải đóng tại thời điểm người sử dụng bị lập biên bản.

Căn cứ khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022, người sử dụng lao động là cá nhân vi phạm sẽ bị phạt từ 12% đến 15% tổng số tiền bảo hiểm phải đóng; trường hợp tổ chức vi phạm  sẽ bị phạt gấp đôi từ 24% đến 30% tổng số tiền bảo hiểm phải đóng .

Ngoài ra, doanh nghiệp còn buộc phải truy nộp số tiền BHXH phải đóng theo đúng quy định.

---------------------------------

Theo luatvietnam.vn

Chia sẻ: