Tăng lương: Nên ký phụ lục hay ký hợp đồng mới?

Sau khi điều chỉnh lương cho người lao động, nhiều doanh nghiệp thường hay băn khoăn: “Tăng lương nên ký phụ lục hay ký hợp đồng mới?” Câu hỏi này sẽ được LuatVietnam giải đáp ngay sau đây.

1. Tăng lương cho nhân viên, công ty có phải sửa hợp đồng?

Tiền lương là một trong những nội dung cơ bản của hợp đồng lao động theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 21 Bộ luật Lao động năm 2019.

Theo đó, hợp đồng lao động được ký giữa người lao động và người sử dụng lao động phải thỏa thuận rõ mức lương theo công việc hoặc chức danh cùng với phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Khi có sự thay đổi về tiền lương thì hợp đồng lao động cũ sẽ cần phải thực hiện điều chỉnh lại một phần nội dung. Việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động phải tuân thủ quy định tại Điều 33 Bộ luật Lao động năm 2019.

Theo đó, trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, nếu bên nào có yêu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất 03 ngày làm việc về nội dung cần sửa đổi, bổ sung.

Sau đó nếu hai bên thỏa thuận được thì việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động sẽ được tiến hành bằng việc ký kết phụ lục hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới.

Như vậy, khi tăng lương cho người lao động, doanh nghiệp có thể cùng người lao động ký phụ lục hợp đồng hoặc ký hợp đồng lao động mới.

Tăng lương có phải sửa hợp đồng lao động?
Tăng lương có phải sửa hợp đồng lao động? (Ảnh minh họa)

2. Tăng lương nên ký phụ lục hay hợp đồng lao động mới?

Khi tăng lương cho nhân viên, doanh nghiệp có thể thực hiện ký hợp đồng lao động mới hoặc lập thêm phụ lục hợp đồng.

Mỗi cách đều có những ưu nhược điểm nhất định. Tuy nhiên, việc ký phụ lục hợp đồng lao động để tăng lương cho nhân viên có vẻ sẽ dễ dàng thực hiện và đỡ rườm rà hơn.

Cụ thể, ưu nhược điểm của từng cách như sau:

Ký phụ lục hợp đồng để tăng lương

Ký hợp đồng lao động mới để tăng lương

Ưu điểm

- Phụ lục này là một bộ phận của hợp đồng lao động cũ và có hiệu lực như hợp đồng lao động.

- Phụ lục có nội dung ngắn gọn, súc tích, chỉ cần đảm bảo đầy đủ thông tin của người lao động và người sử dụng lao động, ghi rõ ghi rõ nội dung điều, khoản sửa đổi, bổ sung và thời điểm có hiệu lực của phụ lục, không cần lặp lại các nội dung thỏa thuận khác ở hợp đồng cũ nếu không có thay đổi.

- Pháp luật không quy định số lượng phụ lục phải lập.

- Có giá trị ràng buộc đối với các bên.

- Có thể tham khảo hợp đồng cũ để soạn thảo nhanh hơn, chỉ cần sửa nội dung tiền lương còn các nội dung khác giữ nguyên.

Nhược điểm

- Phải tạo mới nội dung của phụ lục hợp đồng lao động. Tuy nhiên, doanh nghiệp có thể tham khỏa các mẫu phụ lục hợp đồng sau đây của LuatVietnam

- Phải lập ít nhất 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản.

- Ký hợp đồng mới có nội dung dài do vẫn ghi nhận lại các nội dung của hợp đồng cũ và chỉ sửa phần tiền lương.

Tăng lương nên ký phụ lục hay hợp đồng mới?
Tăng lương nên ký phụ lục hay hợp đồng mới? (Ảnh minh họa)

3. Dùng quyết định tăng lương thay phụ lục hợp đồng được không?

Thay vì ký phụ lục hợp đồng hay hợp đồng lao động mới, để đơn giản hóa thủ tục, có doanh nghiệp đã ban hành quyết định tăng lương, trong đó liệt kê loạt người lao động được tăng lương trong đó.

Theo quy định, khi tăng lương cho nhân viên, doanh nghiệp vẫn phải tiến hành ký phụ lục hợp đồng hay hợp đồng lao động mới chứ không thể thay thế bằng quyết định tăng lương được.

Mặc dù mục đích của các giấy tờ này đều giống nhau nhằm thực hiện việc điều chỉnh tiền lương cho người lao động nhưng quyết định tăng lương và phụ lục hợp đồng/hợp đồng lao động lại khác nhau về bản chất khác nhau tính chất ràng buộc.

- Quyết định tăng lương: Do người sử dụng lao động đơn phương ban hành với một mình chữ ký của người sử dụng mà không có sự thỏa thuận giữa các bên. Vì vậy ngay cả khi việc tăng lương có lợi cho người lao động thì cũng chưa chắc được họ chấp nhận, vẫn có khả năng xảy ra tranh chấp.

- Phụ lục hợp đồng hoặc hợp đồng lao đông mới: Các nội dung trong đó đều phải được người lao động và người sử dụng lao động thống nhất từ trước. Khi đặt bút ký lên đó tức cả hai đã đạt được sự đồng thuận và có giá trị pháp lý ràng buộc quyền và nghĩa vụ giữa các bên.

Thực tế, nhiều công ty cũng chỉ ban hành quyết định tăng lương để đơn giản hóa giấy tờ thủ tục. Mặt khác việc khai tăng bảo hiểm xã hội cho người lao động theo tiền lương mới cũng không yêu cầu hợp đồng hay phụ lục nên doanh nghiệp vẫn dễ dàng tăng lương đóng bảo hiểm.

Dẫu vậy, để tránh xảy ra tranh chấp sau này, doanh nghiệp vẫn nên tuân thủ quy định về việc ký hợp đồng lao động mới hoặc lập phụ lục hợp đồng khi tăng lương cho người lao động.

-------------------------------

Theo luatvietnam.vn

Chia sẻ: