Từ năm nay, người lao động mất 1 khoản tiền được nhận vào cuối năm

Bộ luật Lao động 2019 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 với nhiều thay đổi liên quan đến quyền lợi người lao động. Năm 2021 chính là năm đầu tiên mà rất nhiều người lao động bị mất khoản tiền đáng lẽ được nhận vào cuối năm.

Dư ngày phép không còn được trả bằng tiền

Liên quan đến số ngày nghỉ phép hằng năm của người lao động, Bộ luật Lao động 2019 và Bộ luật Lao động 2012 trước đó không có nhiều sự khác biệt: Vẫn quy định người lao động được nghỉ tối đa 12 ngày/năm nếu làm việc đủ 12 tháng cho một doanh nghiệp.

Tuy nhiên, sự khác biệt nằm ở quy định về việc giải quyết quyền lợi cho người lao động trong trường hợp chưa nghỉ hoặc chưa nghỉ hết số ngày phép hằng năm. 
 

Bộ luật Lao động 2019

Bộ luật Lao động 2012

3. Trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.

(Điều 113)

1. Người lao động do thôi việc, bị mất việc làm hoặc vì các lý do khác mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được thanh toán bằng tiền những ngày chưa nghỉ.

(Điều 114)

 

Như vậy, theo Bộ luật Lao động 2019 (có hiệu lực từ năm 2021), chỉ khi người lao động thôi việc, mất việc làm mà chưa nghỉ hoặc chưa nghỉ hết ngày phép thì mới được thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.

Ngoài 02 trường hợp trên, mọi trường hợp khác chưa nghỉ hoặc chưa nghỉ hết ngày phép năm sẽ không còn được thanh toán tiền như quy định trước đây tại Bộ luật Lao động 2012.

Theo đó, khoản tiền lương cho những phép còn dư đáng lẽ được trả vào cuối năm thì từ năm nay, người lao động đã không còn được nhận nữa, theo quy định của Bộ luật mới. 

Từ năm nay, người lao động mất 1 khoản tiền vào cuối năm (Ảnh minh họa)

Cần “thanh lý” phép trước khi hết năm?

Do không còn được trả khoản tiền lương cho những ngày chưa nghỉ phép, nên nhiều người lao động cho rằng cần thanh lý ngày phép trước khi hết năm để không bị “thiệt”. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp hiện nay có cơ chế chốt phép năm vào ngày cuối cùng của tháng 03 năm sau (hết quý I của năm sau).

Đáng chú ý, năm nay lại là một năm đặc biệt đối với nhiều người lao động, bởi các doanh nghiệp đã phải tạm ngừng hoạt động một thời gian khá dài giãn cách xã hội, nên chưa có một năm nào, người lao động đã có những “kỳ nghỉ” dài như năm nay. Do đó, việc nghỉ phép dù là quyền lợi chính đáng của người lao động nhưng cũng không còn quá cần thiết trong năm nay.

Ngoài ra, người lao động chưa nghỉ hoặc chưa nghỉ hết phép năm của năm nay cũng có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ gộp tối đa 03 năm/lần hoặc thỏa thuận đi làm vào ngày phép và hưởng lương làm thêm giờ… 

---------------------------------------------

Theo luatvietnam.vn

Chia sẻ: