Lịch nghỉ phép năm do công ty quy định hay người lao động tự chọn?

Bên cạnh tiền lương, chế độ nghỉ phép năm cũng là một vấn đề được rất nhiều người lao động quan tâm. Vậy lịch nghỉ phép năm được quy định như thế nào? Lịch nghỉ này do công ty quy định hay người lao động tự chọn?

1. Mỗi người lao động có bao nhiêu ngày phép năm?

Điều 113 Bộ luật Lao động năm 2019 đã quy định cụ thể về số ngày nghỉ phép hằng năm của người lao động được quy định như sau:

1. Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;

b) 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;

c) 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

2. Người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.

Theo đó, tùy trường hợp cụ thể mà người lao động làm đủ năm sẽ được nghỉ phép từ 12 - 16 ngày. Còn nếu làm chưa đủ năm thì sẽ chia tỷ lệ số ngày phép và tính theo số tháng làm việc.

Thậm chí, theo Điều 114 Bộ luật này, nếu làm việc đủ 05 năm cho một người sử dụng, người lao động còn được tăng thêm 01 ngày phép/năm.

lich nghi phep nam

2. Lịch nghỉ phép năm do công ty quy định hay NLĐ tự chọn?

Liên quan đến lịch nghỉ phép năm, khoản 4 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 nêu rõ:

4. Người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động biết. Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.

Như vậy, lịch nghỉ phép năm sẽ do người sử dụng lao động quy định. Lịch nghỉ phép này có thể được quy định trực tiếp tại nội quy lao động hoặc quy chế nghỉ phép của công ty.

Tuy nhiên, trước khi ban hành lịch nghỉ phép, người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động biết.

Với việc lấy ý kiến của người lao động và cân đối với việc quản lý, điều hành nhân sự trong công ty, phía người sử dụng lao động thường không quy định cụ thể ngày mà người lao động được nghỉ phép năm.

Thay vào đó, nội quy, quy chế của công ty sẽ quy định lịch nghỉ phép năm linh hoạt theo nhu cầu của người lao động nhưng phải báo trước và được cấp trên quản lý trực tiếp đồng ý.

Điều này giúp hài hòa về quyền lợi giữa người lao động và phía người sử dụng lao động. Người lao động được nghỉ theo nhu cầu, còn người sử dụng lao động có thời gian điều chỉnh nhân sự để không ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh.

3. Xin nghỉ phép năm nhưng công ty không đồng ý, phải làm sao?

Như đã phân tích, dù việc nghỉ phép năm là quyền của người lao động nhưng lịch nghỉ phép lại thực hiện theo quy định của người sử dụng lao động nên muốn thực hiện quyền của mình thì người lao động vẫn cần thực hiện theo yêu cầu mà công ty đề ra.

Do đó, nếu nội quy, quy chế yêu cầu phải có xác nhận đồng ý từ phía người sử dụng lao động thì việc nghỉ phép năm của người lao động cũng buộc phải đảm bảo thủ tục này.

Nếu xin nghỉ phép nhưng không được công ty đồng ý thì người lao động vẫn phải đi làm như bình thường để đảm bảo việc sản xuất, kinh doanh.

Trường hợp không được công ty đồng ý mà vẫn cố tình nghỉ, người lao động sẽ bị coi là vi phạm kỷ luật lao động và bị xử lý theo hình thức tương ứng trong nội quy lao động.

Nặng nhất, người lao động còn bị xử lý sa thải nếu tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng (theo khoản 4 Điều 125 Bộ luật Lao động).

Thậm chí, người lao động còn có thể bị đuổi việc ngay lập tức nếu nghỉ không phép từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên mà không có lý do chính đáng (theo điểm e khoản 1 và khoản 3 Điều 36 Bộ luật Lao động).

Dù vậy, người sử dụng lao động vẫn phải đảm bảo thời gian nghỉ phép năm theo số ngày quy định cho người lao động. Nếu liên tục từ chối đề nghị nghỉ phép mà khiến người lao động không được nghỉ đủ theo quy định, công ty có thể bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng (căn cứ khoản 2 Điều 17 Nghị định 28/2020/NĐ-CP).

------------------------------------------

Theo luatvietnam.vn

Chia sẻ: