Đi làm sớm sau thai sản: Cần biết rõ 4 điều này

Để có thêm thu nhập nuôi con nhỏ, nhiều lao động nữ đã lựa chọn đi làm sớm ngay cả khi chưa hết thời gian thai sản. Dưới đây là 04 thông tin quan trọng mà lao động nữ cần biết nếu đang có ý định đi làm trước khi hết thời gian nghỉ thai sản.

Đi làm trước khi hết thời gian nghỉ thai sản cần điều kiện gì?

Theo khoản 1 Điều 139 Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2019 và Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, lao động nữ được nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng; thời gian nghỉ trước khi sinh không quá 02 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.

Trường hợp lao động nữ chưa nghỉ hết thời gian nói trên mà muốn đi làm sớm phải đáp ứng đồng thời các điều kiện được quy định tại khoản 4 Điều 139 BLLĐ năm 2019 và Điều 40 Luật BHXH 2014 như sau:

- Đã nghỉ ít nhất được 04 tháng.

- Người lao động phải báo trước, được người sử dụng lao động đồng ý.

- Có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động. 


Chưa hết thời gian thai sản, đi làm sớm có được nhận đủ 6 tháng trợ cấp?

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 39 Luật BHXH năm 2014, người lao động được nghỉ hưởng chế độ thai sản trong 06 tháng với mức trợ cấp thai sản mỗi tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ.

Vậy trường hợp đi làm sớm có được hưởng đủ 06 tháng hay chỉ được hưởng trợ cấp đến thời điểm đi làm?

Theo khoản 4 Điều 139 BLLĐ năm 2019, lao động nữ đi làm trước khi hết thời gian nghỉ thai sản thì ngoài tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả, lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Nội dung này tiếp tục được khẳng định tại khoản 2 Điều 40 Luật BHXH 2014 như sau:

2. Ngoài tiền lương của những ngày làm việc, lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn quy định tại khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 của Luật này.

Như vậy, người lao động đi làm sớm vừa được hưởng lương theo thời gian làm việc, đồng thời vẫn được hưởng đủ 06 tháng trợ cấp thai sản theo quy định.

di lam truoc khi het thoi gian nghi thai san
Người lao động đi làm sớm sau sinh có phải đóng BHXH?

Theo quy định tại Điều 39 Luật BHXH năm 2014, thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội.

Tuy nhiên với trường hợp người lao động đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con thì việc đóng BHXH sẽ được thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 12 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH như sau:

Trường hợp lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con theo quy định thì thời gian hưởng chế độ thai sản từ khi nghỉ việc đến khi đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, kể từ thời điểm đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con thì lao động nữ vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn quy định tại khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 của Luật bảo hiểm xã hội nhưng người lao động và người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Cùng với đó, điểm 6.3 khoản 6 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH cũng hướng dẫn về việc đóng BHXH của lao động nữ đi làm trước khi hết thời gian nghỉ sinh như sau:

6.3. Trường hợp lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con theo quy định thì thời gian hưởng chế độ thai sản từ khi nghỉ việc đến khi đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh được tính là thời gian đóng BHXH, kể từ thời điểm đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con thì lao động nữ và đơn vị phải đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN.

Như vậy, kể từ thời điểm đi làm, người lao động và người sử dụng lao động sẽ phải đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN).

Theo đó, cả người lao động đi làm sớm sau thai sản và doanh nghiệp đều phải đóng vào Qũy BHXH theo các tỷ lệ sau (căn cứ Quyết định 595/QĐ-BHXH và Nghị định 58/2020/NĐ-CP):

Người sử dụng lao động

Người lao động

BHXH

BHTN

BHYT

BHXH

BHTN

BHYT

Hưu trí - tử tuất

Ốm đau -thai sản

TNLĐ - BNN

Hưu trí - tử tuất

Ốm đau -thai sản

TNLĐ -BNN

14%

3%

0.5% hoặc 0.3%

1%

3%

8%

-

-

1%

1.5%

21.5% hoặc 21.3%

10.5%

Tổng cộng 32% hoặc 31.8%


Đi làm sớm sau thai sản có được hưởng dưỡng sức sau sinh?

Điều 41 Luật BHXH đã nêu rõ điều kiện nghỉ dưỡng sức phụ hồi sức khỏe sau thai sản như sau:

Lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều 33, khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 của Luật này, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khoẻ chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 ngày đến 10 ngày.

Trong đó, số ngày nghỉ dưỡng, phục hồi sức khỏe được quy định như sau:

- Tối đa 10 ngày: Lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên.

- Tối đa 07 ngày: Lao động nữ sinh con phải phẫu thuật.

- Tối đa 05 ngày: Các trường hợp khác.

Với mỗi ngày nghỉ dưỡng sức, người lao động sẽ được nhận 30% mức lương cơ sở (hiện nay tương đương 447.000 đồng/ngày).

Tuy nhiên chế độ này chỉ áp dụng đối với lao động nữ ngay sau khi hết thời gian thải sản mà sức khỏe còn yếu. Trong khi đó, lao động nữ đi làm sớm tức là chưa nghỉ hết thời gian thai sản, đồng thời khi muốn đi làm sớm thì người lao động còn phải có giấy xác nhận đảm bảo đủ điều kiện sức khỏe để đi làm.

Bởi vậy, lao động nữ đi làm sớm trước khi hết thời gian nghỉ thai sản thì sẽ không được nhận tiền dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau sinh.

-----------------------------------------

Theo luatvietnam.vn

Chia sẻ: